Nếu không tích cực thực hành ESG, ngân hàng không chỉ đối mặt với rủi ro tín dụng mà còn chịu tổn hại nghiêm trọng về danh tiếng – thứ tài sản vô hình nhưng có thể làm sụp đổ niềm tin thị trường.
Ngân hàng Việt với cam kết ESG
Phát biểu tại một sự kiện mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết phát triển bền vững không còn là một khẩu hiệu nhất thời, mà đã trở thành trụ cột chiến lược trong định hướng dài hạn của toàn ngành tài chính – ngân hàng. Trong quá trình đó, việc xây dựng và công bố “Báo cáo phát triển bền vững” không chỉ là một yêu cầu mang tính thủ tục mà còn là công cụ thể hiện cam kết, minh bạch thông tin và vai trò dẫn dắt của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế xanh, toàn diện và có trách nhiệm.
Số liệu của NHNN chỉ ra, năm 2024, số lượng tổ chức tài chính công bố báo cáo phát triển bền vững riêng biệt đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 33 đơn vị. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, đã có thêm 6 ngân hàng thương mại công bố báo cáo riêng biệt, nâng tổng số ngân hàng có báo cáo độc lập lên khoảng 13 – 15 đơn vị.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, TS Bùi Thị Thu Loan, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết từ mức trung bình chỉ 1,1 điểm vào năm 2020, mức điểm ESG của các ngân hàng Việt Nam đã tăng lên 2 điểm vào năm 2024, mức tăng gần gấp đôi sau 5 năm.
Mặc dù điểm số ESG mà các ngân hàng Việt Nam đạt được hiện vẫn còn thấp nếu so với thang điểm 10, nhưng theo TS Bùi Thị Thu Loan, đây là một bước tiến đáng ghi nhận. “Chúng ta đang chứng kiến sự cải thiện rõ rệt về mức độ minh bạch trong công bố thông tin ESG, với những cái tên nổi bật như HDBank, VPBank… đi đầu trong xu hướng này”, bà Loan nhận định.
TS Loan cho rằng sự chuyển mình này là tất yếu. Dù không trực tiếp phát thải, ngành ngân hàng lại đóng vai trò là “người gác cổng” dòng vốn – nghĩa là họ cũng gián tiếp “gánh” rủi ro phát thải từ những dự án được cấp tín dụng. “Ngân hàng là ‘người’ cấp vốn cho nền kinh tế. Nhưng không chỉ là người theo sau, họ cần chủ động dẫn dắt quá trình chuyển đổi. Một dự án dù có sinh lời tài chính, nếu tiềm ẩn rủi ro môi trường, xã hội hay quản trị, đều có thể tạo ra tác động ngược trở lại ngân hàng”, bà Loan nhấn mạnh.
Nếu không tích cực thực hành ESG, ngân hàng không chỉ đối mặt với rủi ro tín dụng mà còn chịu tổn hại nghiêm trọng về danh tiếng – thứ tài sản vô hình nhưng có thể làm sụp đổ niềm tin thị trường. Khi các dự án không đạt tiêu chuẩn môi trường quốc tế, nguy cơ mất vốn, bị từ chối tiếp cận các nguồn vốn quốc tế là hoàn toàn hiện hữu.
Vẫn còn nhiều rào cản
Dù khởi động tương đối tích cực, song các chuyên gia thừa nhận rằng việc xây dựng và công bố báo cáo phát triển bền vững tại Việt Nam – đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng – vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để bắt kịp tiêu chuẩn quốc tế.
Phân tích rõ hơn, TS Bùi Thị Thu Loan cho biết mức độ tiến bộ giữa 3 trụ cột Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị (G) của các ngân hàng không đồng đều. Cụ thể, về yếu tố E, điểm số của các ngân hàng trong năm 2024 chỉ đạt 0,7, tăng nhẹ so với 0,5 điểm của năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (1,2 điểm) hay Indonesia (1,35 điểm). Các cam kết chủ yếu liên quan đến tài trợ cho ngành năng lượng, trong khi còn thiếu vắng chính sách rõ ràng về bảo vệ thiên nhiên hay ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, yếu tố S lại có sự bứt phá rõ nét, với điểm số tăng từ 1,6 lên 2,45. Tài chính toàn diện – một nội dung thuộc trụ cột xã hội – là điểm sáng khi có điểm trung bình lên tới 6,1/10, vượt qua nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Ngoài ra, các vấn đề về bình đẳng giới, quyền con người, quyền lao động cũng được nhiều ngân hàng thể hiện cam kết rõ nét hơn.
Yếu tố G cũng ghi nhận sự cải thiện, nhưng chậm hơn. Các chính sách liên quan đến chống tham nhũng, bảo vệ người tiêu dùng, công bố thuế và trách nhiệm giải trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. So với các quốc gia như Thái Lan (3,4 điểm) hay Indonesia (3,3 điểm), ngân hàng Việt Nam vẫn ở mức “khiêm tốn”, bà Loan nói.
Sự thiếu cân đối giữa ba trụ cột E, S, G cho thấy bức tranh chuyển đổi của các ngân hàng vẫn còn phần nào “chắp vá”. Đặc biệt với yếu tố môi trường, dù đã có chuyển biến về cam kết nhưng việc triển khai vào thực tiễn, nhất là trong hoạt động cấp tín dụng, vẫn còn nhiều khoảng trống. Những tiến bộ về mặt chính sách và điểm số sẽ khó bền vững nếu thiếu một hệ thống khung pháp lý đồng bộ để định hướng. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng gặp khó khi triển khai tín dụng xanh trên thực tế.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến ngân hàng khó thúc đẩy tín dụng xanh là việc chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia. Điều này khiến các tổ chức tín dụng lúng túng khi xác định đâu là dự án xanh “đúng nghĩa” để cấp vốn và báo cáo.
Khó khăn trong việc thúc đẩy tín dụng xanh không chỉ xuất phát từ khung pháp lý chưa đầy đủ và thiếu thống nhất mà còn bắt nguồn từ chính năng lực nội tại còn hạn chế của các tổ chức tín dụng. Phần lớn ngân hàng hiện nay vẫn chưa hình thành bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững, dẫn đến việc lồng ghép các tiêu chí ESG vào quy trình thẩm định tín dụng còn mang tính hình thức. Thêm vào đó, việc thiếu kỹ năng phân tích dữ liệu phi tài chính, đặc biệt là dữ liệu ESG, khiến ngân hàng gặp khó trong việc đánh giá rủi ro dài hạn của dự án, cũng như định lượng các tác động môi trường – xã hội một cách khách quan.
Không chỉ thiếu nguồn nhân lực chuyên môn, nhiều ngân hàng cũng chưa xây dựng được phương pháp luận chuẩn hóa để thu thập, xử lý và báo cáo thông tin ESG một cách nhất quán. Hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu hiện nay chủ yếu phục vụ hoạt động tài chính – tín dụng truyền thống, chưa được thiết kế để tích hợp các chỉ số phát triển bền vững, làm giảm khả năng phân tích xu hướng, đo lường hiệu quả.
Trong bối cảnh tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo phát triển bền vững đang ngày càng siết chặt, các ngân hàng Việt Nam phải cần nhanh chóng lấp khoảng trống năng lực này nếu không muốn bị tụt lại trong cuộc đua chuyển đổi xanh.
Cùng với việc sớm ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia, các chuyên gia cũng đề xuất ngân hàng cần sớm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu ESG, từ đó xây dựng hệ thống xếp hạng nội bộ hiệu quả hơn, vừa đáp ứng yêu cầu công bố thông tin, vừa nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro và đánh giá tín dụng dài hạn cho các dự án xanh.
Trên thực tế, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cùng với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha và Ngân hàng trung ương Đức đã phối hợp triển khai dự án Gaia, trong đó sử dụng AI để tự động xử lý hơn 2.300 tài liệu, bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo ESG và các tài liệu công bố công khai khác.
Để ngành ngân hàng không chỉ “đi theo” mà thực sự trở thành động lực dẫn dắt quá trình xanh hóa nền kinh tế, đòi hỏi nhiều hơn những nỗ lực mang tính hệ thống, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao năng lực nội tại, đến phát triển các công cụ đánh giá và quản trị rủi ro khí hậu. Chỉ khi đó, chuyển đổi xanh mới không dừng lại ở những tuyên bố mà trở thành thực tiễn gắn liền với lợi ích lâu dài và khả năng “chống chịu” của hệ thống tài chính quốc gia.