Là ‘ông vua’ chưa thể thay thế trên thị trường xe máy xăng Việt Nam, Honda đang dần mở đường vào thị trường xe máy điện với chiến lược thận trọng nhưng đầy toan tính – trong bối cảnh thị trường xe hai bánh Việt Nam rục rịch bước vào thời kỳ hậu xe xăng.
Vị thế thống trị xe xăng chưa có đối thủ
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm tài chính 2025 (kết thúc ngày 31/3/2025), Honda Việt Nam (HVN) đã bán ra gần 2,3 triệu xe máy – tăng 10% so với cùng kỳ, chiếm tới 83% thị phần, tiếp tục giữ vững vị trí thống trị tuyệt đối tại Việt Nam. Đây là một con số ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xe máy toàn cầu đang chững lại, và các dòng xe điện bắt đầu phát triên tại Đông Nam Á.
Không chỉ dẫn đầu thị trường nội địa, HVN cũng đẩy mạnh xuất khẩu xe máy nguyên chiếc (CBU), đạt sản lượng gần 305.000 xe và kim ngạch xuất khẩu khoảng 635 triệu USD, tăng 24% so với năm trước. Điều này cho thấy Honda không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn giữ vai trò là trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe máy chiến lược của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với ba nhà máy xe máy và một nhà máy ô tô tại Việt Nam, công suất thiết kế của Honda hiện đạt 2,75 triệu xe máy và 35.000 ô tô mỗi năm. Công suất này đủ để đáp ứng cả thị trường nội địa và xuất khẩu, đồng thời đóng vai trò trung tâm cho các chiến lược sản xuất khu vực của Honda Motor toàn cầu.
Chuyển hướng sang xe điện: Khởi đầu thận trọng
Tuy thống trị xe xăng, Honda Việt Nam vẫn gần như đứng ngoài cuộc chơi xe máy điện suốt nhiều năm qua, trong khi các đối thủ như VinFast, Yadea, Dat Bike hay Luyuan đã liên tục ra mắt sản phẩm, đầu tư hệ sinh thái pin, trạm sạc và dịch vụ hậu mãi.
Chỉ đến năm 2024, Honda mới chính thức bước vào lĩnh vực xe máy điện tại Việt Nam với hai mẫu đầu tiên là ICON e: và CUV e: – đều thuộc nhóm xe city commuter. Tuy nhiên, đáng chú ý là thay vì bán lẻ như thường lệ, Honda lại chọn mô hình cho thuê ngắn hạn, áp dụng đầu tiên với mẫu CUV e từ ngày 14/7/2025 tại 19 đại lý ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Theo đại diện hãng, chi phí thuê xe được Honda tính ở mức 1,47 triệu đồng/tháng – tương đương chỉ khoảng một bát phở mỗi ngày. Người dùng được miễn phí đổi pin không giới hạn, cứu hộ 24/7 và bảo hiểm đi kèm. Với những tiện ích này, Honda rõ ràng đang muốn tạo một “trải nghiệm dùng thử không rủi ro” để thu hút người tiêu dùng vốn còn dè dặt với xe điện – từ khả năng vận hành, tuổi thọ pin đến hạ tầng trạm sạc.
Chiến lược “cho thuê thay vì bán đứt” được đánh giá là cách tiếp cận thông minh và thận trọng. Theo các chuyên gia thị trường, điều này cho phép Honda kiểm soát chất lượng vận hành, thu thập dữ liệu thực tế, đồng thời hạn chế rủi ro tồn kho hoặc phản hồi tiêu cực nếu sản phẩm chưa đạt kỳ vọng. Mô hình này cũng tương tự với chiến lược mà nhiều hãng công nghệ từng áp dụng khi ra mắt sản phẩm thế hệ đầu tiên.
Việc Honda bắt đầu chuyển mình không phải ngẫu nhiên. Thị trường xe máy điện Việt Nam đang tăng trưởng bùng nổ – riêng 5 tháng đầu năm 2025, lượng tiêu thụ xe máy điện cỡ nhỏ đã tăng tới 113% so với cùng kỳ, trong khi xe xăng chỉ tăng khoảng 10–12%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi giá xăng cao, người trẻ ưa chuộng xe điện vì thiết kế hiện đại, chi phí vận hành rẻ, và đặc biệt là các chính sách quản lý đang dịch chuyển theo hướng ủng hộ phương tiện xanh.
Cụ thể, theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng lộ trình hạn chế hoặc dừng đăng ký xe máy xăng mới trong nội đô từ sau năm 2030. Đây là động lực bắt buộc để các hãng sản xuất phải định hình lại danh mục sản phẩm của mình. Không thể bỏ qua, nhưng cũng chưa thể gấp rút thay thế xe xăng – đó chính là thách thức kép mà Honda đang đối mặt.
Thêm vào đó, các đối thủ như VinFast với hệ sinh thái pin – trạm sạc, mạng lưới hậu mãi rộng khắp và lợi thế “đi trước” đang chiếm được lòng tin của nhóm người tiêu dùng trẻ, năng động, sẵn sàng thử công nghệ mới. VinFast đã sản xuất trên 120.000 xe máy điện/năm, trong khi Honda chỉ mới bắt đầu. Các thương hiệu Trung Quốc như Yadea hay startup nội địa như Dat Bike cũng đang nhắm tới phân khúc xe điện hiệu năng cao, vốn là sân chơi tiềm năng với biên lợi nhuận tốt.
Chiến lược toàn cầu: Hybrid là trung gian, xe điện là tương lai
Không chỉ ở Việt Nam, Tập đoàn Honda Motor trên quy mô toàn cầu cũng đang tái cấu trúc chiến lược theo hướng ưu tiên dòng xe hybrid (HEV) làm cầu nối, trước khi chuyển hẳn sang xe điện. Hãng đặt mục tiêu ra mắt 13 mẫu HEV mới từ năm 2027, đồng thời cải tiến công nghệ để giảm 50% chi phí hệ thống hybrid so với phiên bản 2018.
Theo kế hoạch mới, doanh số ô tô HEV toàn cầu sẽ đạt 2,2 triệu xe/năm vào 2030, chiếm hơn 60% tổng doanh số. Trong khi đó, mục tiêu ban đầu cho EV thuần điện bị điều chỉnh giảm 30% do nhu cầu thấp hơn dự báo. Điều này cho thấy Honda đang thực tế hơn khi nhận định giai đoạn chuyển đổi sang xe điện sẽ cần thêm thời gian, và HEV là lối đi an toàn trước mắt.
Ở mảng xe máy, Honda đã đạt doanh số kỷ lục 20,57 triệu xe trong năm tài chính 2025 – chiếm 40% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, hãng cũng bắt đầu mở bán xe máy điện tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam – tập trung vào các mẫu city commuter như ICON e: và CUV e:. Nhà máy chuyên dụng cho xe máy điện dự kiến hoàn thành tại Ấn Độ vào năm 2028, hướng tới các sản phẩm điện hiệu suất cao và giá cả cạnh tranh hơn.
Dù vẫn đang là ông trùm không đối thủ ở phân khúc xe máy xăng, Honda không thể nằm ngoài xu thế điện hóa đang tăng tốc tại Việt Nam. Những động thái như ra mắt CUV e theo hình thức cho thuê, hợp tác với Vietnam Post triển khai xe giao hàng điện, hay đầu tư phát triển nhà máy chuyên dụng cho xe điện, cho thấy Honda đang chủ động tìm cách giữ vững vị trí số 1 trong tương lai – dù cuộc chơi đã thay đổi.
Tuy vậy, chặng đường phía trước còn nhiều thách thức: từ cạnh tranh thị phần, phát triển hệ sinh thái pin – sạc, đến thay đổi thói quen tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu chính sách mới. Sự chuyển mình của Honda Việt Nam có thể không ồn ào như các startup xe điện, nhưng với quy mô và nền tảng sẵn có, đây vẫn là người chơi quan trọng nhất quyết định hình hài thị trường xe hai bánh Việt Nam trong thập kỷ tới.