Danh mục Phân loại Xanh (DMPLX) của Việt Nam đã được chính thức ban hành kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2025.

Đây là cột mốc quan trong trong hành trình hiện thực hóa và thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh.
Việt Nam đang nỗ lực thu hút vốn xanh quốc tế để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc thiếu khung pháp lý, các sản phẩm tài chính xanh đặc thù, khó khăn trong việc thẩm định và quản lý rủi ro dự án… và sự thiếu hụt các định chế tài chính trung gian mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Tùng Anh – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính bền vững của FiinRatings trao đổi cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Theo nhận định của FiinRatings, đây là cơ sở mở đường cho đầu tư phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cơ sở và cơ hội này?
Việc ban hành DMPLX thực sự là một bước ngoặt quan trọng cho thị trường tài chính xanh Việt Nam. Trước đây, chúng ta gặp khó khăn lớn trong việc định nghĩa “xanh” là gì, dẫn đến việc các ngân hàng phải tự xây dựng bộ tiêu chí riêng, tạo ra sự không đồng nhất và rủi ro đánh giá sai. Giờ đây, với 45 lĩnh vực thuộc 7 nhóm ngành được quy định rõ ràng, chúng ta có một “ngôn ngữ chung” mà tất cả các bên đều hiểu và áp dụng được.
Cơ hội lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy là khả năng kết nối với các chính sách hỗ trợ cụ thể. Nghị quyết 198 năm 2025 về hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các dự án xanh kết hợp với DMPLX tạo ra một gói ưu đãi rất hấp dẫn. Đối với một dự án 1.000 tỷ đồng, khoản hỗ trợ này có thể tiết kiệm 20 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi năm.

Điều đặc biệt quan trọng là DMPLX được thiết kế để tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư ESG quốc tế. Thị trường tài chính xanh toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, khoảng 21 – 22% mỗi năm, và Việt Nam giờ đây có công cụ để tham gia vào thị trường này một cách hiệu quả.
Cuối cùng, DMPLX không chỉ giúp huy động vốn mà còn thúc đẩy đổi mới công nghệ. Các tiêu chí kỹ thuật chặt chẽ trong danh mục sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến, giảm phát thải, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hướng đến trung hòa carbon.
– Trong cơ hội, luôn có thách thức. Vậy đâu là các thách thức mà doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nhận diện?
Thách thức đầu tiên và có lẽ lớn nhất là chi phí tuân thủ. Từ kinh nghiệm của FiinRatings khi thực hiện các dự án xác nhận trái phiếu xanh, chúng tôi thấy rằng chi phí ban đầu có thể từ 22.000 đến 70.000 USD, bao gồm chi phí pháp lý, đánh giá độc lập, xây dựng khung quản lý và các chi phí vận hành định kỳ. Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là một khoản đầu tư không hề nhỏ.
Thách thức thứ hai là tình trạng khan hiếm về nguồn nhân lực chuyên môn. Hiện tại, FiinRatings là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Climate Bonds Initiative công nhận có khả năng thực hiện xác nhận độc lập cho trái phiếu xanh. Điều này cho thấy thị trường đang thiếu nghiêm trọng các tổ chức có năng lực chuyên môn về tài chính xanh.
Quy trình xác nhận dự án cũng khá phức tạp và tốn thời gian. Thông thường, từ khi bắt đầu chuẩn bị đến khi hoàn tất xác nhận có thể mất 8 – 12 tuần, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch tài chính dài hạn và không thể “vội vã” trong việc huy động vốn.
Thách thức cuối cùng là yêu cầu về tính bền vững thông tin. Doanh nghiệp không chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn khi phát hành mà còn phải duy trì hệ thống báo cáo minh bạch, giám sát liên tục trong suốt vòng đời dự án. Điều này đòi hỏi đầu tư lâu dài vào hệ thống quản trị và có thể tạo áp lực về nguồn lực cho doanh nghiệp.
– Vậy các bên cần làm gì để vượt qua các thách thức vừa nêu, thưa ông?
Đối với doanh nghiệp, khuyến nghị đầu tiên của chúng tôi là chuẩn bị hệ thống quản trị nội bộ một cách bài bản. Doanh nghiệp cần thành lập ban nghiệp vụ chuyên trách về tài chính bền vững, không chỉ để phục vụ cho việc phát hành trái phiếu xanh mà còn để xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Hệ thống quản lý dòng vốn phải minh bạch, có thể theo dõi và báo cáo được.
Đầu tư vào con người là ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ cán bộ về các chuẩn mực ESG, hiểu biết về quy trình xác nhận dự án xanh và các yêu cầu quốc tế. Đồng thời, nên hợp tác với các tổ chức tư vấn uy tín ngay từ giai đoạn thiết kế dự án để tránh những sai sót tốn kém sau này.
Về lựa chọn dự án, chúng tôi khuyến nghị ưu tiên các dự án có tác động môi trường rõ ràng, dễ đo lường. Ví dụ như các dự án năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, hoặc nông nghiệp bền vững. Những dự án này không chỉ dễ được chấp nhận trong DMPLX mà còn có khả năng thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Đối với các tổ chức tài chính, cần xây dựng năng lực thẩm định chuyên nghiệp. Phát triển bộ tiêu chuẩn tín dụng xanh dựa trên DMPLX và các chuẩn mực quốc tế, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ tín dụng về đánh giá rủi ro môi trường – xã hội. Sản phẩm tài chính xanh cần được đa dạng hóa để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Đối với nhà đầu tư, chúng tôi khuyến nghị yêu cầu tính minh bạch cao từ doanh nghiệp. Cần có cơ chế báo cáo định kỳ và giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, nhà đầu tư cần hiểu rằng đầu tư xanh là đầu tư dài hạn, cần có sự kiên nhẫn để dự án phát huy hiệu quả.
Mặc dù bối cảnh thương mại có nhiều thách thức, nhưng với DMPLX và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, Việt Nam vẫn có cơ hội lớn trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn xanh quốc tế. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với những thay đổi toàn cầu.
– Trân trọng cảm ơn!