13/03/2024

Khuyến khích sản xuất, sử dụng túi sinh học thay thế túi ni-lông

Túi ni-lông đã trở thành vật dụng phổ biến trong cuộc sống, được sử dụng ở các cửa hàng nhỏ lẻ, trung tâm thương mại lớn, từ đô thị đến nông thôn. Tuy nhiên, sau khi thu gom, túi ni-lông chỉ được đưa chôn lấp đã trở thành nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.

Khuyến khích sản xuất, sử dụng túi sinh học thay thế túi ni-lông
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác thải nhựa tại khu vực vịnh Mân Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Sau dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân, ở các địa phương, rác thải là túi ni-lông càng nhiều hơn. Người dân dùng rất nhiều màng xốp, túi ni-lông để bao gói sản phẩm, nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp, gây nên tình trạng “ni-lông hóa” trang trại, vườn đồi.

Đáng nói là chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nguy hại này được thu gom, tái chế, còn phần lớn bị vứt bừa phứa. Kể cả sau khi được thu gom, các địa phương cũng chỉ chôn lấp, mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Vì sao sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ni-lông rất phổ biến trong khi việc dùng túi bằng các vật liệu thân thiện với môi trường còn rất ít và mới chỉ dừng lại ở mức độ phong trào hoặc mô hình, chưa được nhân rộng. Điều cơ bản vẫn ở chỗ giá thành túi ni-lông các loại rất rẻ. Tại chợ Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hoặc chợ Đông Ba, tỉnh Thừa Thiên Huế, túi ni-lông được bán với giá từ 30-50 nghìn đồng/kg, đủ mầu sắc và kích cỡ; trong khi túi sinh học được bán với giá từ 70-100 nghìn đồng/kg, thậm chí còn cao hơn.

Điều này khiến các tiểu thương và người dân không mặn mà sử dụng túi thân thiện môi trường. Hiện, mới chỉ có một số doanh nghiệp bán lẻ quy mô lớn như hệ thống siêu thị Co.opmart, WinMart… sử dụng túi sinh học, còn hầu như chợ dân sinh và cửa hàng, cửa hiệu nhỏ lẻ đều dùng túi ni-lông trong các hoạt động mua bán hàng hóa.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni-lông hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam hiện chiếm từ 8 đến 12% chất thải rắn sinh hoạt. Thống kê cho thấy, nếu trung bình 10% lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa này có thể đạt gần 2,5 triệu tấn/năm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Trong một hội nghị tham vấn về hạn chế sử dụng túi ni-lông để bảo vệ môi trường được tổ chức tại Quảng Bình, bên cạnh nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường tuyên truyền, đưa ra các biện pháp tạo lập thói quen “nói không với túi ni-lông” trong cuộc sống, có đại biểu kiến nghị, Nhà nước nên hạn chế lưu hành, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất, buôn bán và sử dụng túi ni-lông thông thường bằng cách đánh thuế cao để nâng giá bán mặt hàng này; đồng thời trợ giá, khuyến khích sản xuất, sử dụng túi sinh học để thay thế.

“Việc Nhà nước đầu tư kinh phí để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất túi ni-lông thông thường sang túi sinh học và khuyến khích người dùng sẽ rẻ hơn nhiều so với kinh phí bỏ ra để xử lý, tái chế rác thải là túi ni-lông đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Hiệu quả là vậy nhưng điều này đang bị bỏ ngỏ” – chuyên gia này chia sẻ.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và trăn trở trước lượng rác thải rắn sinh hoạt, trong đó có số lượng rất lớn túi ni-lông đang chôn lấp có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng ở các bãi rác, nhiều tỉnh miền trung, trong đó có Quảng Bình đang lập dự án đầu tư nhà máy chế biến rác thải rắn để tách và tái chế các thành phần của rác thải sinh hoạt; theo đó, sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ biến chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm ô nhiễm môi trường.

(Theo Báo Nhân dân)

Bài viết liên quan