Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và nắm bắt các cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm 2021.
Đây là bài toán lớn không chỉ của Chính phủ mà thuộc trách nhiệm của tất cả người dân Việt Nam và trọng tâm là các doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh với các doanh nghiệp đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc trước xu thế “xanh” hóa không thể đảo ngược. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó xác định tầm nhìn, mục tiêu và biện pháp giảm thiểu trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và chất thải.
Chủ trương nhất quán, giải pháp đồng bộ
Đối với tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nội dung của Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các nội dung, mục tiêu.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2030 nhằm thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi carbon thấp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ba mục tiêu mà Thái Nguyên tập trung thực hiện là: Xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Bắt đầu từ việc đầu tư, thực hiện công cuộc tăng trưởng xanh, Thái Nguyên đã thu hút có chọn lọc và lựa chọn các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, các sản phẩm có giá trị sản xuất cao, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc),…. để ưu tiên cấp phép đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN). Cùng với đó là chú trọng xây dựng môi trường xanh trong các khu, cụm công nghiệp.
Năm 2023, hưởng ứng Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 theo thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Vì một Việt Nam xanh”, thông qua Ban Quản lý các KCN tỉnh, các doanh nghiệp đăng ký trồng mới 6.600 cây xanh, con số này cao gấp 6 lần so với năm 2022.
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chú trọng việc hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường; việc chấp hành pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN. Thực hiện kiểm tra, lấy mẫu đột xuất để đánh giá tình hình xả thải của các doanh nghiệp, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đề nghị UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính đối với 11 doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp. Với quan điểm nhất quán của tỉnh, giải pháp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước đã giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Sự cộng hưởng từ các doanh nghiệp
Việc xanh hóa các ngành kinh tế chính là áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Một trong những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sớm quan tâm áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Trong năm qua, Công ty Núi Pháo cùng các công ty thành viên của Masan High-Tech Materials trên toàn cầu tập trung vào nghiên cứu, cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, sử dụng công nghệ AI và các phần mềm quản lý khai thác và chế biến khoáng sản tiên tiến, giúp tối ưu hóa tỷ lệ thu hồi và giảm thiểu lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Hoạt động đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, Công ty đã tạo ra những giải pháp vật liệu mới, bền vững và đột phá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các ngành công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu. Ngoài ra, Công ty cũng quan tâm tổ chức hoạt động tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ cho người dân vùng dự án về cách phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, xử lý rác thải theo quy định.
Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Đối ngoại, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo chia sẻ: Hiện, Công ty đang có kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Nhà máy tái chế Vonfram tại huyện Đại Từ bằng công nghệ tái chế của Đức. Đây là một bước tiến vượt bậc của một doanh nghiệp khoáng sản trong nước, với tham vọng không chỉ dừng lại ở chế biến sâu, chế tạo vật liệu công nghệ cao mà còn hoàn thiện chu trình sản xuất bền vững khép kín “thu hồi, tái chế, tái sử dụng” thông qua công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu sơ cấp từ hoạt động khai thác khoáng sản.
Khi Dự án Nhà máy tái chế Vonfram tại tỉnh Thái Nguyên được triển khai thành công sẽ giúp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và góp phần vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, phát triển bền vững được coi là tiêu chí quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
TNG đang hướng đến và cam kết cho sự phát triển xanh của môi trường với việc đổi mới trong triển khai các dự án để tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Việt Nam. Các dự án TNG Võ Nhai, TNG Đồng Hỷ, TNG Sơn Cẩm là những ví dụ tiêu biểu cho việc hướng tới sự phát triển bền vững toàn diện trên các lĩnh vực về kinh tế, xã hội và môi trường của TNG; nhà máy phụ trợ Sông Công được chứng nhận Lotus Bạc, nhà máy xanh Võ Nhai đạt tiêu chuẩn LEED.
Điểm đặc biệt của các nhà máy là đã sử dụng các phần mềm mô phỏng tính toán hiện đại trong thiết kế để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng; lựa chọn các vật liệu phù hợp, hiệu quả và thân thiện với môi trường; lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tân tiến của công trình xanh, vừa đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng cường sử dụng sản phẩm có hàm lượng VOC và Formaldehyde thấp để đảm bảo sức khỏe người lao động.
Công ty TNG cam kết không sử dụng lò hơi đốt than mà thay thế bằng lò điện để giảm phát thải CO2 mỗi năm, xây dựng lộ trình sử dụng 100% năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế cho hoạt động sản xuất kinh doanh…
Đồng thời, TNG đã nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới sử dụng cho ngành may mặc bằng cách tái sử dụng nguyên phụ liệu dư thừa sau sản xuất, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm thiểu khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác động vào môi trường, cân bằng hệ sinh thái hướng đến nền sản xuất kinh doanh bền vững không chỉ phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam mà tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Sẵn sàng tham gia sâu vào “luật chơi”
Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất ghi nhớ hợp tác với Saigontel để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo đó, trong giai đoạn 2023 – 2030, Saigontel sẽ nghiên cứu; hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên xác định và lựa chọn chính sách cũng như chiến lược tài trợ tập trung vào việc giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Trong nội dung biên bản ghi nhớ, Saigontel và các đối tác sẽ giúp tỉnh thu hút nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu giữ và sử dụng carbon.
Ngoài ra, Saigontel và các đối tác sẽ phối hợp, đồng hành cùng Thái Nguyên cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh xanh, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư công nghệ cao thuộc mọi lĩnh vực của nền kinh tế mở rộng hoạt động vào các khu công nghiệp điển hình đạt tiêu chuẩn phát thải ròng bằng “0”.
Như vậy, có thể thấy, trong hành trình chuyển đổi xanh, Thái Nguyên đang nỗ lực thúc đẩy nhiều giải pháp, từng bước tham gia sâu vào “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư của thế giới, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Những nỗ lực đó sẽ được đền đáp xứng đáng bằng chính môi trường sống cho người dân và các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
(Theo Báo Điện tử Chính phủ)