Doanh nghiệp chủ động triển khai chuyển đổi xanh từ sớm sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, bảo vệ sức cạnh tranh và đặt nền móng bền vững cho tương lai.
Các bộ ngành đang nghiên cứu, xây dựng các gói chính sách có quy mô đủ lớn, khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát huy tiềm lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có chuyển đổi xanh.
Trao đổi với DĐDN, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết: Chuyển đổi xanh là quá trình dài, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030 Việt Nam có thể cần từ 360 – 400 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Vì thế, cần những chính sách và định chế tài chính tầm cỡ quốc gia để hỗ trợ cho các dự án lớn.
– Nhiều khảo sát gần đây cho thấy, nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã cải thiện nhưng chuyển động thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh lại chưa được như kỳ vọng, thưa ông?
Tôi cho là có một số nguyên nhân khiến doanh nghiệp đang gặp khó trong chuyển đổi xanh. Một bộ phận doanh nghiệp còn chưa nhận thức đúng mức, khó khăn trong tiếp cận tài liệu về chuyển đổi xanh… Song, quan trọng là chưa tiếp cận được nguồn lực tài chính. Những dự án điện gió, điện mặt trời áp mái là dự án xanh nhưng thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh cho các dự án trên phụ thuộc vào thị trường, chưa nhận được ưu tiên, ưu đãi về kỳ hạn, lãi suất.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng đang cần nguồn lực đầu tư lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng, công nghệ… Tôi lấy ví dụ trong ngành dệt may, để chuyển đổi lò nung hơi cho khâu sấy, là từ sử dụng dầu diezel sang sử dụng điện cần đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng doanh nghiệp khá khó khăn tiếp cận nguồn vốn lớn như vậy do liên quan đến tài sản đảm bảo hay các điều kiện cho vay chuyển đổi xanh đáp ứng như khoản vay thông thường.
Tương tự như vậy, một số tổ chức phát hành trái phiếu xanh để hỗ trợ doanh nghiệp vay nhưng chưa được ưu tiên về lãi suất, ưu tiên về kỳ hạn dài hơi bởi chuyển đổi xanh đòi hỏi quá trình thực hiện dài chứ không đơn giản tính theo 3 năm, 5 năm như hiện nay.
– Tuy nhiên, các tổ chức tài chính tín dụng cũng gặp khó bởi những quy định pháp luật chưa hoàn thiện, tiêu chí dự án xanh chưa được ban hành, thưa ông?
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện để sớm công bố tiêu chí phân loại xanh. Từ đó, tín dụng xanh và các quỹ đầu tư cho phát triển xanh mới có cơ sở để giải ngân, đưa dòng vốn vào nền kinh tế và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ ngành tiếp tục xem xét các quy định pháp luật khác có liên quan để tạo dựng môi trường đầy đủ và thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dự án tài chính xanh như các chính sách khuyến khích nhà đầu tư phát hành sản phẩm tài chính xanh, huy động sự tham gia của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập, cơ chế kiểm soát và giám sát…
Tôi nhấn mạnh thêm, nguồn hỗ trợ từ bên ngoài dành cho chuyển đổi xanh của Việt Nam rất lớn. Ngoài gói đầu tư 15,5 tỷ USD mà Cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) dành cho Việt Nam còn có các nguồn tài trợ từ các tập đoàn, quốc gia trong nhóm các nước phát triển. Tuy nhiên, các gói tín dụng trên chỉ giải ngân được nếu chúng ta cần có đầy đủ cơ sở pháp lý và hoàn thiện dự án mới. Chẳng hạn, mới đây, khi chúng ta xây dựng thành công Dự án biogas 17 nghìn tấn carbon hay Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã nhận được ngay các khoản tài trợ.
– Từ những vướng mắc trên, ông đánh giá thế nào về việc xây dựng “gói chính sách đồng bộ” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân đang được các bộ, ngành thực hiện?
Đầu tư cho phát triển xanh chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực là công nghệ và vật liệu mới để giảm phát thải khí nhà kính. Đây là khoản đầu tư lớn và sự hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết nhưng cần định chế phù hợp, tầm cỡ quốc gia tài trợ cho các dự án lớn liên quan đến cơ sở hạ tầng và một số lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện đề án tái cấu trúc lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn tín dụng chính sách, trong đó lồng vào đó hai nội dung quan trọng: phát triển cơ sở hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị và đầu tư vào công nghiệp xanh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
– Trân trọng cảm ơn ông!