Phát triển rừng bền vững lưu vực đầu nguồn với chủ thể là các chủ rừng đang là vấn đề sống còn trong quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Cu Ðê thuộc địa giới hành chính thành phố Ðà Nẵng. Ðể thúc đẩy và tạo điều kiện cho người dân tiếp tục chung tay hành động, thành phố cần có thêm những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ðà Nẵng cũng đề ra mục tiêu bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, đạt tỷ lệ che phủ rừng từ 45% đến 47%. Do đó, bảo vệ tài nguyên nước sông Cu Ðê gắn với phát triển rừng, đặc biệt là lưu vực đầu nguồn, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và hết sức cấp bách.
Nhận diện nguy cơ lớn nhất
Hợp lưu từ sông Bắc và sông Nam tại Vũng Bọt thuộc địa phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng), sông Cu Ðê với 417,2 km2 diện tích lưu vực tính đến cửa sông, là “kho dự trữ” nguồn nước quan trọng của thành phố, phục vụ cho Nhà máy nước Hòa Liên khai thác 120.000m3/ngày đêm.
Ý thức rõ vị thế địa phương đầu nguồn trong lưu vực sông Cu Ðê, các cấp ủy xã Hòa Bắc trong những năm qua đã quán triệt các chủ trương, chính sách của thành phố và huyện Hòa Vang để huy động sức dân quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn và nguồn nước mặt lưu vực đầu nguồn sông Cu Ðê.
Vấn đề là, việc khai thác rừng sản xuất tại đầu nguồn nhiều năm qua đã làm xói mòn đất, gây sạt lở đất đá xuống Vũng Bọt và các nhánh sông hợp lưu, giảm khả năng giữ nước của rừng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho biết, Hòa Bắc có 31.016 ha diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp, với khoảng 27.954 ha diện tích rừng tự nhiên và khoảng 3.858 ha diện tích rừng trồng. Việc khai thác rừng trồng, đốt thực bì và canh tác tự do trên đất dốc của các chủ rừng tại vùng đầu nguồn đã làm tăng sự rửa trôi, xói mòn đất, thay đổi độ che phủ và chất lượng lớp phủ rừng.
Ông Nhân cho rằng: “Ðây là yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến khả năng điều tiết dòng chảy mặt, thời gian truyền lũ, mức độ chuyển tải vật liệu vào sông suối và đồng bằng hạ lưu. Ngoài ra, có thể làm tăng khả năng cuốn trôi bùn cát và các thành phần ô nhiễm khác gây bồi lắng lòng hồ, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước”.
Các chủ rừng ở đây chủ yếu là người Cơ Tu sinh sống tại thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, có tập quán trồng cây keo trên đất dốc. Qua bao đời, cây keo trở thành loài cây bản địa đem lại “miếng cơm, manh áo” cho đồng bào nơi đây.
Song, việc khai thác keo cũng là nỗi muộn phiền của người dân, vì cách thức thu hoạch keo là đồng loạt, phá đất đồi để có đường vận chuyển và nguy hơn là đốt thực bì, vô hình trung làm đất thêm khô cằn, xói mòn bờ sông.
Anh Trần Xuân Trung, Trưởng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) cho biết: “Trồng keo và chăn nuôi là hai nghề chính của đồng bào Cơ Tu. Gần 90% số người từ già, trẻ, gái, trai đều đi làm rừng hết. Thực tế ở đây không trồng được hoa màu, mà chỉ có trồng keo”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân nhấn mạnh: “Phát triển rừng ở đây không chỉ để bảo vệ “lá phổi” của thành phố, mà còn để bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực sông Cu Ðê. Ðây là mối quan hệ liên kết rất chặt chẽ. Do đó, chúng tôi phải hướng tới phát triển rừng bền vững”.
Cần tạo sinh kế mới cho người dân
Nghị quyết số 254/2019/NQ-HÐND của Hội đồng nhân dân thành phố Ðà Nẵng về quy định chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng giai đoạn 2019-2030 là chính sách quan trọng để khuyến khích, hỗ trợ các chủ rừng đầu tư và chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, hướng tới phát triển rừng bền vững.
Mức hỗ trợ trồng mới, trồng lại rừng nguyên liệu gỗ lớn là 12 triệu đồng/ha; mức hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn là 8 triệu đồng/ha.
Thế nhưng, theo ông Trương Thanh Nhân, diện tích rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn hiện vẫn còn hạn chế, từ năm 2019 đến nay mới có 13 hộ đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 309 ha.
“Qua trao đổi với người dân, chúng tôi thấy cái khó nằm ở vấn đề sinh kế của họ. Trồng keo trong vòng 5 năm có thể thu hoạch được, nhưng cây gỗ lớn ít nhất 15-20 năm, kèm theo chi phí đầu tư lớn hơn trồng keo, nên người dân khó xoay sở kinh tế”, ông Nhân chia sẻ.
Trồng rừng gỗ lớn để giữ nước là hướng đi có sự đồng thuận xã hội cao, kể cả với những hộ đang trồng keo. Là người đồng ý dành một nửa diện tích để trồng cây gỗ lớn, anh Phan Văn Cảnh (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) nói rằng: “Thực tế tôi thấy trên đất rẫy khi keo chưa khai thác, lượng nước tại các khe suối rất nhiều. Sau khi khai thác, đốt thực bì là khe cạn khô. Cho nên, ai cũng muốn chuyển sang trồng cây gỗ lớn để giữ nước, nhưng vì vô cái thế kiếm ăn, nên mới phải trồng keo”.
Anh Trần Xuân Trung, Trưởng thôn Giàn Bí băn khoăn nói: “Các tổ chức có hướng dẫn trồng cây dược liệu xen canh, lấy ngắn nuôi dài, nhưng người dân chưa có kinh nghiệm, cũng như điều kiện để thực hiện. Trồng rừng gỗ lớn là biện pháp rất hữu ích và lâu dài để bảo vệ nguồn nước sông Cu Ðê, nhưng cũng phải có giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân…”.
Từ thực tế đó, đầu năm nay, tổ chức GreenViet đã và đang hỗ trợ 11 hộ dân thôn Giàn Bí tham gia trồng hơn 38.000 cây rừng gỗ lớn trên diện tích trồng keo các hộ và 26,1 ha diện tích rừng cộng đồng của thôn.
Ðể những mầm cây sao đen tiếp tục phủ trọc những mảng đồi khô cằn, góp phần bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Cu Ðê, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho biết, Hòa Bắc sẽ tiếp tục triển khai các dự án trồng rừng thay thế ở các tiểu khu trên địa bàn xã, mở các hội thảo để người dân thay đổi nhận thức; đồng thời, báo cáo đề xuất với cấp trên nâng mức hỗ trợ đầu tư phát triển rừng gỗ lớn để người dân mạnh dạn tham gia.
(Theo Báo Nhân dân)