Chiều ngày 16/10, tại Hà Nội, Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-IFI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn quốc tế Franconomics – 2024 với chủ đề “Năng lượng tái tạo: kịch bản cho tương lai xanh”.
Tham dự Diễn đàn có đại diện các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, trường Đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu.
Phát biểu chào mừng diễn đàn, PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay, các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế dài hạn.
Trong đó, sự phát triển của khoa học và công nghệ không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo mà còn tạo ra những cơ hội kinh tế mới, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc đầu tư vào các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã xác định rõ vai trò tiên phong của mình trong việc hỗ trợ các mục tiêu quốc gia về chuyển dịch năng lượng. Là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, ĐHQGHN không ngừng mở rộng các chương trình nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến năng lượng tái tạo. Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu tại ĐHQGHN đang thực hiện các nghiên cứu đột phá về công nghệ năng lượng sạch, từ năng lượng mặt trời, gió, sinh khối đến các công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, nhằm tạo ra các giải pháp cụ thể, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo PGS.TS Đào Thanh Trường, với chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh”, Diễn đàn Franconomics – 2024 là một sự kiện quan trọng, nhằm thúc đẩy những cuộc thảo luận và hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, và các nhà hoạch định chính sách. Diễn đàn không chỉ tập trung vào các công nghệ năng lượng tái tạo mà còn tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và mô hình hợp tác bền vững giữa các quốc gia và khu vực nhằm làm sáng tỏ các chiến lược và công nghệ giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, qua đó góp phần vào việc giảm phát thải toàn cầu và bảo vệ môi trường, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tại châu Á-Thái Bình Dương, bà Adjara Diouf, Điều phối dự án “Thúc đẩy du lịch bền vững” cho rằng, chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh” của Diễn đàn Franconomics năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 7 của Liên Hợp Quốc về đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
Bà Adjara Diouf cho biết, hiện nay Tổ chức OIF đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng chiến lược và chính sách năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, du lịch bền vững cũng là lĩnh vực đang được OIF đặc biệt quan tâm thông qua các dự án “Destination Eco-Talents” (Điểm đến tài năng sinh thái). Dự án này tập trung vào việc xây dựng các trung tâm đa chức năng tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, để nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển năng lực cho cộng đồng địa phương. OIF tin rằng, du lịch bền vững sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên và phụ nữ, đồng thời bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã khẳng định mối quan hệ hợp tác vững mạnh giữa hai nước Việt Nam – Pháp, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tô Lâm đến Pháp.
Theo ông Olivier Brochet, Chính phủ Pháp cam kết trở thành đối tác chiến lược, luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Minh chứng là thông qua cơ chế hợp tác đa phương trong khuôn khổ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT) với khoản tài trợ 500 triệu EUR để giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu về trung hòa carbon và giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, các hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch cũng góp phần vào tăng trưởng bền vững cho cả hai quốc gia. Thông qua Diễn đàn này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam hy vọng sẽ là cầu nối cho các thảo luận sâu sắc về năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, từ đó góp phần thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Với vai trò Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn, TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN cho rằng, với chủ đề năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, Diễn đàn tập trung thảo luận về các kịch bản năng lượng xanh không chỉ phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu mà còn góp phần quan trọng vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, cuộc thi “ÉCOJEUNES 2024 – Thanh niên cam kết vì tương lai xanh”, dành cho các bạn trẻ là một điểm mới trong khuôn khổ Diễn đàn nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo vệ môi trường và hướng tới một tương lai xanh.
Sau Phiên khai mạc đã diễn ra phiên toàn thể của Diễn đàn với những tham luận của các diễn giả: Ông Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Trưởng Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Cơ quan Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) với chủ đề “Chính sách năng lượng của vùng Wallonie-Bruxelles (Bỉ) và các kinh nghiệm cho Việt Nam”;
Đại diện Viện Năng lượng, Bộ Công Thương với chủ đề “Mô hình an ninh năng lượng và xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”; ông David Falcon Adasme, Giám đốc Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), Vinfast với chủ đề “Chuyển đổi xanh tại Vingroup”;
Ông Arnaud Dubrac, Chuyên gia về năng lượng tái tạo, Expertise France, Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam; Thư ký phụ trách chính Chương trình dịch chuyển năng lượng của Châu Âu tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam với chủ đề “Phát triển năng lượng tái tạo trên toàn thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững”.
Sau phiên toàn thể là hai không gian thảo luận chuyên đề và vòng Chung kết cuộc thi “ÉCOJEUNES 2024 – Thanh niên cam kết vì tương lai xanh” với sự tham gia của các học giả, chuyên gia, học sinh, sinh viên từ nhiều quốc gia trên thế giới tham dự trực tiếp và trực tuyến.