Trao đổi với PV. VietNamNet về tiềm năng tín chỉ carbon, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, ngoài bán tín chỉ carbon từ rừng tự nhiên, địa phương này có thể khai thác tín chỉ carbon từ 26.000 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và VFCS/PEFC.

Tỉnh vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của các thảm cỏ biển ở tỉnh Quảng Trị”. Đây cũng là một tiềm năng để Quảng Trị khai thác bán tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Các nhà khoa học đánh giá, các thảm cỏ biển có vai trò rất quan trọng, tham gia vào chu trình dinh dưỡng ở biển và đại dương. Chỉ tính riêng giá trị đối với sinh thái và môi trường, thảm cỏ biển trên toàn cầu ước tính khoảng 3.800 tỷ USD, trung bình đạt 212.000 USD/ha cỏ biển mỗi năm.

Ngoài ra, hệ sinh thái cỏ biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cỏ biển có khả năng lưu trữ khoảng 19,9 tỷ tấn carbon hữu cơ, cao hơn 2-3 lần so với khả năng lưu trữ của cây rừng tính trên cùng đơn vị diện tích.

Giá tín chỉ carbon từ cỏ biển năm 2022 dao động từ 11-35 USD, có thể lên tới 60USD vào năm 2050, cao hơn đáng kể so với giá tín chỉ carbon thông thường từ 8-10 USD.

Khả năng lưu trữ carbon hữu cơ của cỏ biển cao gấp 2-3 lần so với khả năng lưu trữ của cây rừng tính trên cùng đơn vị diện tích. Ảnh: UWA

Ông Đồng đánh giá, phát triển cỏ biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập từ việc tham gia các chương trình, dự án trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, giúp tỉnh Quảng Trị đáp ứng các cam kết về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Dẫn kết quả các tài liệu nghiên cứu tổng quan về thảm cỏ biển trước đây, lãnh đạo tỉnh cho hay tại Quảng Trị có 2 loài cỏ biển gồm cỏ lươn nhật – Zostera japonica và cỏ kim biển – Ruppia maritima. Các loại cỏ biển này phát triển thành bãi rộng khoảng 400ha, tập trung tại vùng biển Cửa Tùng và Cửa Việt.

Cụ thể, tại Cửa Tùng, dọc hai bên sông Bến Hải có cỏ lươn nhật sinh trưởng và phát triển. Ở bờ bắc sông Bến Hải thuộc xã Vinh Giang (Vĩnh Linh), loài cỏ biển này phân bố thành thảm, dài khoảng 800-900m, rộng từ bờ ra phía lòng sông khoảng 30m. Ở bờ Nam sông Bến Hải thuộc thôn Tùng Luật xã Trung Hải (Gio Linh), cỏ mọc dày đặc. Chúng tạo thành bãi dài 1.200-1.500m, rộng 20-35m tính từ bờ ra đến lòng sông.

Ở khu vực Cửa Việt, bờ Nam thuộc thôn Hà Tây tại xã Triệu An, cỏ lươn nhật phát triển thành bãi dài 1,5-2km, rộng 100m, độ phủ 60-100%. Bờ Bắc cũng tương tự, cỏ biển phân bố thành bãi rộng lớn.

Tuy nhiên, theo kết quả dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và biến động ô nhiễm môi trường tại vùng biển ven bờ miền Trung và đề xuất các giải pháp xử lý cấp bách” năm 2016, sau sự cố Formosa, tình trạng các quần xã cỏ biển trong vùng ven biển Quảng Trị nói riêng, khu vực miền Trung nói chung gặp nhiều ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng.

Tại khu vực Cửa Tùng, diện tích cỏ biển ước tính còn khoảng 1,5ha với độ phủ 50%; tại Cửa Việt, chỉ còn diện tích nhỏ các thảm cỏ biển xuất hiện lác đác trong một số ao đầm nuôi thủy sản. Điều này cho thấy hiện trạng cỏ biển tại khu vực này đã giảm mạnh cả về thành phần loài lẫn diện tích phân bố.

Ngoài ra, theo kết quả báo cáo Lập hồ sơ tài nguyên hải đảo tỉnh Quảng Trị do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2021, khu vực đảo Cồn Cỏ ghi nhận duy nhất loài cỏ xoan – Halophila ovalis. Cỏ xoan ở Cồn Cỏ phân bố rải rác tại một số kiểu nền cát bùn quanh đảo với độ phủ, mật độ rất thấp và chưa có số liệu về diện tích của cỏ biển tại khu vực này.

Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, cùng với san hô và rừng ngập mặn, cỏ biển là một trong ba hệ sinh thái ven biển quan trọng, mang lại nhiều giá trị dịch vụ sinh thái và môi trường cho con người.

Theo ông, môi trường biển luôn chịu sự tác động của sóng, gió, dòng chảy. Sự hiện diện của lá, thân đứng và hệ thống rễ của cỏ biển làm giảm tác động cơ học của sóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật biển cư trú, ẩn nấp, trốn các sinh vật săn mồi (nhất là các ấu trùng, con non). Lá cỏ biển có vai trò như lọc nước, làm cho nước trong hơn. Bên cạnh đó, lá cỏ còn có chức năng làm lắng cặn trầm tích. Hệ thống rễ và thân ngầm chằng chịt của cỏ biển giữ và cố định nền đáy, chống xói lở cho các vùng ven bờ.

Cùng với các hệ sinh thái rừng ngập mặn và san hô, hệ sinh thái cỏ biển có vai trò quan trọng đối với vùng nước ven bờ, thực hiện các chức năng về cơ học và sinh học. Các đồng cỏ biển tham gia vào chu trình vật chất và chuỗi thức ăn ở vùng ven bờ. Các chất hữu cơ phân hủy từ lá cỏ cũng như của rong biển sống ở đáy là thành phần quan trọng trong chuỗi thức ăn của các hệ sinh thái biển.

“Trong vùng Đông Nam Á, cỏ biển còn là nơi cung cấp thực phẩm và nơi sinh sống của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao”, ông Đồng thông tin. Theo đó, cỏ biển là ngôi nhà cho các loài hai mảnh vỏ, bọt biển, giáp xác, động vật đáy như giun nhiều tơ, nhím biển, hải quỳ…

Với những lợi ích này, cỏ biển được cho là một trong ba hệ sinh thái trên thế giới có giá trị nhất. Một ha cỏ biển ước tính có thể cung cấp các dịch vụ trị giá trên 19.000USD mỗi năm.

Theo ông Đồng, các quần xã cỏ biển trong vùng ven biển Quảng Trị đang bị suy giảm nghiêm trọng, diện tích còn lại không đáng kể. Từ nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng thảm cỏ biển ở địa phương, dự kiến hoàn thành năm 2026, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển các thảm cỏ biển.

Theo Báo Vietnamnet