09/09/2024

Tác động xanh 3P

Doanh nghiệp bất kể mô hình đều bắt đầu từ yếu tố con người và cuối cùng là phục vụ con người.

Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam dưới nhiều góc nhìn được chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh & Triển lãm Quốc tế Tác động Xanh 3P (3P Green Impact) do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức.

Doanh nghiệp bất kể mô hình đều bắt đầu từ yếu tố con người và cuối cùng là phục vụ con người. Vì thế, thực hành phát triển bền vững phải bắt đầu từ con người.

Con người xanh là ai?

Trong bối cảnh đó, khái niệm “Con người xanh” đã ra đời. Theo nhận xét của ông Alan Malcolm, Giám đốc Hợp tác Chiến lược, New Ventures tại Udemy, bất cứ khi nào đưa ra định nghĩa, chúng ta cần phải có một mục tiêu cụ thể về những gì muốn đạt được, trong trường hợp này là bảo vệ khí hậu, sự trường tồn, tính bền vững cho các thế hệ tương lai. Vậy “Con người xanh” sẽ phải cam kết biến những điều đó thành hiện thực. Và đi đôi với lý thuyết và chính sách chính là hành động, từ đó lan tỏa đến những người xung quanh.

Về phía Tiến sĩ Phạm Việt Anh, Cố vấn bền vững, ESG-S, cho rằng khái niệm “Con người xanh” chỉ là cách nói ẩn dụ. Bởi bản chất là sẽ không thể có doanh nghiệp bền vững nếu thiếu những lãnh đạo có trách nhiệm. “Tôi cho rằng không có chính phủ toàn cầu mà chỉ có những doanh nghiệp toàn cầu. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp trong bất cứ công cuộc chuyển đổi xã hội nào cũng đều đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững không bắt đầu từ mục đích vị lợi. Phát triển bền vững hướng tới xây dựng một tương lai thịnh vượng cho nhân loại; ưu tiên các lợi ích xã hội, môi trường và phát triển kinh tế, được hỗ trợ bởi quản trị tốt (công và tư)”, ông Việt Anh nói.

Nếu đi sâu hơn vào một tổ chức thì con người có thể chia thành các nhóm chính, sẽ có những con người lãnh đạo và con người thực thi và các cá nhân có lợi ích liên quan khác. Theo đó, việc phát triển bền vững thành công hay không quan trọng nhất nằm trong tay đội ngũ lãnh đạo, vì suy cho cùng họ đưa ra những sách lược, lèo lái cả tổ chức thực hiện theo, khiến những người thực thi hiểu được giá trị của việc phát triển bền vững. Với một chiến lược đủ tốt, thế hệ lãnh đạo “bền vững” này có thể truyền tải, dẫn dắt, từ đó triển khai biến mục tiêu và tầm nhìn thành kim chỉ nam để đưa vào hoạt động của doanh nghiệp.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, nhận định, doanh nghiệp ngày càng đặt nặng tầm quan trọng của đội ngũ lãnh đạo xanh vì lực lượng lao động trẻ hiện nay ngày càng có ý thức về hoạt động bảo vệ môi trường, xã hội… Họ cũng có nhu cầu, tìm kiếm và tham gia vào tổ chức có cùng giá trị, vì vậy doanh nghiệp cần bắt đầu thay đổi. Song, việc thay đổi không nhất thiết phải diễn ra một sớm một chiều.

Gia cố nguồn lực xanh

Ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn và Sáng kiến Chiến lược, Thành viên Ủy Ban ESG tại Tập đoàn Masan, chia sẻ cùng quan điểm nhưng chỉ ra một số khác biệt: “Tại thị trường các nước phương Tây, ý thức về hoạt động bền vững đã ăn sâu vào văn hóa của người dân, thể hiện qua việc nghiêm túc không dùng nhựa một lần hay phân loại rác… Tuy nhiên, tại Việt Nam, xu hướng phát triển bền vững mới bắt đầu. Cho nên, nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đề cao và đi sâu vào những giá trị rất cụ thể với một lộ trình rõ ràng”.

Nhận thức rõ được trách nhiệm trong việc chung tay vào mục tiêu Net Zero của quốc gia, đại diện của Masan cho rằng doanh nghiệp cần suy nghĩ về các mô hình kinh doanh mới. Vì khi đó, câu chuyện phát triển bền vững không còn đơn giản là quản trị rủi ro mà là làm thế nào để tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm dịch vụ, nhân viên, khách hàng và đối tác.

Chia sẻ cụ thể về hoạt động thực tiễn trong chính Masan, ông Nam Anh cho biết trong năm vừa rồi Tập đoàn đã thành lập một ủy ban ESG, có khoảng 8-10 người. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm cho mỗi trụ cột ESG trong từng công ty thành viên làm việc rất sâu với Tập đoàn. Đó là một bài toán rất là thách thức với doanh nghiệp. Bởi vì phát triển bền vững thì phải đầu tư, vậy cuối cùng đầu tư xong, bản thân doanh nghiệp và khách hàng thu lại được gì, điều đó phải tính toán rất kỹ.

Với kinh nghiệm hoạch định chiến lược nguồn nhân sự cho các công ty đầu ngành và đa ngành, bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập và CEO của Talentnet, cho biết: “Trong 3 năm qua, tôi đã nhìn thấy hành trình của doanh nghiệp Việt Nam. Họ đã bắt đầu chú ý thật sự đến định hướng chiến lược cho các bộ phận liên quan đến ESG, đặc biệt là ở Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành thực thi, nhưng số lượng còn khiêm tốn”. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp nên xem xét lại và đầu tư nhiều hơn về nguồn nhân sự. Việc đầu tư có chiến lược và tái cấu trúc Hội đồng Quản trị là cần thiết để doanh nghiệp có thể hướng đến sự bền vững không chỉ về mặt tài chính mà còn tạo ra được nhiều giá trị cho tất cả từ cổ đông cho đến đóng góp, phát triển cộng đồng, tạo ra giá trị cho khách hàng, cho nhân viên để thu hút và giữ chân nhân tài.

Ông Alan Malcolm cho rằng: “Để doanh nghiệp và các nhân sự trong doanh nghiệp có thể đi đúng hướng chiến lược đã đề ra thì một trong những yếu tố cấp thiết khác chính là tạo ra sự linh hoạt trong tổ chức, được thúc đẩy bởi nâng cao đào tạo, tái đào tạo, giáo dục và thu hút đội ngũ nhân sự, hay còn biết đến là đội ngũ thực thi”.

Người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến các sản phẩm thân thiện môi trường nhưng vẫn còn khoảng cách rất lớn từ việc quan tâm đến hành động cụ thể.

Động lực gia tăng

Năm 2023, chuỗi hóa mỹ phẩm Guardian Việt Nam triển khai Green Zone, khu vực mua sắm sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên ở 125 cửa hàng toàn quốc. Tính đến nay, đã có 600.000 sản phẩm được tiêu thụ và là ngành hàng có mức tăng trưởng nhanh nhất của Guardian. Gần đây, đơn vị này đã hợp tác với Cocoon ra mắt 20 Refill Station (khách hàng mang vỏ chai, chai nhựa đến mua các sản phẩm của Cocoon sẽ được giảm giá 20%) ở TP.HCM. “Những dấu hiệu này cho thấy xu hướng tiêu dùng đã bắt đầu có chuyển biến, khách hàng tìm các sản phẩm có nguồn gốc, bao bì thân thiện với thiên nhiên. Hiện chúng tôi đang làm việc với trên 20 nhãn hàng để cung cấp các sản phẩm này”, bà Lê Huỳnh Phương Thục, Giám đốc Điều hành Guardian Việt Nam, cho biết.

Đây là xu hướng khó tránh khỏi khi doanh nghiệp nhận thấy áp lực thay đổi từ yếu tố bên ngoài như xu hướng xanh trên thế giới, các chương trình trung hòa carbon của chính phủ các nước… Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Unilever Việt Nam, lại nhấn mạnh tới yếu tố nội tại doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong suốt 100 năm hoạt động, yếu tố phát triển bền vững luôn được Unilever hướng tới và gần như là bản chất hoạt động của công ty toàn cầu này. Không chỉ chuyển đổi chuỗi cung ứng thân thiện hơn với môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời cho các thiết bị đun nóng, nhà máy, Unilever Việt Nam cũng đầu tư rất nhiều trong việc giảm sử dụng nhựa nguyên sinh trong bao bì sản phẩm hiện tại. Trong 10 năm qua, hơn 60% bao bì được cải tiến để tái chế, tỉ lệ nhựa nguyên sinh hiện chỉ chiếm 50% trong cơ cấu bao bì…

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông của Nestlé Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng Xanh của EuroCham Việt Nam, nhìn nhận động lực nội tại thúc đẩy chuyển đổi sang sản phẩm xanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn từ lực lượng lao động. Ví dụ, hiện giờ Gen Z và Gen Y có ý thức hơn về môi trường và họ muốn làm việc với các doanh nghiệp có ý thức phát triển bền vững. “Đầu năm nay, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi vì sao kinh tế chưa phục hồi mà phải đầu tư vào ESG, bền vững trong khi đây là các khoản đầu tư lớn? Đó thực sự là khoản đầu tư tốn kém, nhưng về trung hạn hay dài hạn sẽ tạo ra sự khác biệt vì người tiêu dùng quan tâm xanh càng nhiều”, ông Hưng nói.

Doanh nghiệp hành động

Dù sự quan tâm về sản phẩm xanh có gia tăng nhưng có một khoảng lớn từ “quan tâm” thành “hành động”. Báo cáo “Who cares who does” của Kantar năm 2023 cho thấy trên toàn cầu chỉ có 22% người tiêu dùng có hành động bảo vệ môi trường, bao gồm việc mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường, 42% không có hành động gì cụ thể và 38% không quan tâm.

“Các doanh nghiệp cần làm gì để rút ngắn khoảng cách từ quan tâm đến hành động?”, ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Quản trị CGS Việt Nam, đặt câu hỏi. Thực tế, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trong xu thế này, cần phải chủ động chứng minh các hành động và kết quả phát triển bền vững. Cùng với sự giám sát mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan quản lý về môi trường, doanh nghiệp cần chịu trách nghiệm với tuyên bố xanh của mình và chủ động đưa ra bằng chứng hoạt động.

Đại diện của Guardian cũng cho biết hiện có 500 thương hiệu được trưng bày ở chuỗi cửa hàng này, khi tất cả các thương hiệu và các nhà bán lẻ hóa mỹ phẩm như Guardian ở Việt Nam đẩy mạnh các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ tạo được tác động lớn đến người dùng.

Nhưng câu chuyện sản phẩm xanh không dừng ở chính doanh nghiệp mà còn ở các đối tác. Đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sự phát triển của thương mại điện tử. Bởi vì, Việt Nam hiện là một trong các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, dẫn đến việc mua sắm online phát triển mạnh, từ đó nhu cầu vận chuyển tăng cao kèm theo phát thải tăng.

Bà Nhi của Unilever Việt Nam cho biết xu hướng tiêu dùng online là không thể thay đổi được và doanh nghiệp phải thích nghi với việc đó. Có 3 cấp độ giảm thải carbon là ở nhà máy, ở văn phòng và đối tác. Unilever Việt Nam đang có chương trình hợp tác với các đối tác như giảm sử dụng bìa carton, dùng xe nâng điện và khuyến khích sử dụng năng lượng xanh trong hoạt động của họ. Lộ trình này được thực hiện trong 15 năm.

Còn theo ông Hưng của Nestlé Việt Nam, vướng mắc lớn nhất trong việc giảm thải CO2 trong ngành vận chuyển chính là rào cản pháp lý. Nhiều nhà vận chuyển lớn sẵn sàng sử dụng xe tải điện để thay xe xăng nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định về đăng kiểm xe tải điện. “Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ có câu trả lời. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ chuyển dịch sang sử dụng xe điện”, ông Hưng nói.

Có thể thấy việc chuyển dịch xanh cần đầu tư rất nhiều nên bài toán tối ưu được đặt ra với tất cả doanh nghiệp.  Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia – TP.HCM, nếu chỉ nhìn vào chi phí sẽ rất khó tạo ra động lực và nguồn lực để làm kinh tế tuần hoàn. Có rất nhiều giải pháp để thực hành việc này mà không cần đầu tư quá nhiều.

Đồng quan điểm, ông Hưng cho biết: “Nestlé định nghĩa một mô hình kinh doanh bền vững là tạo giá trị cho doanh nghiệp, cho cộng đồng và cho hành tinh. Thiếu 1 trong 3 là không được”. Chính vì thế, để giảm thiểu rủi ro, khâu R&D của Nestlé dựa trên 3 yếu tố là thói quen mua sắm của người tiêu dùng; công nghệ có thể đáp ứng tốt và cuối cùng là tính bền vững của mô hình kinh doanh.

Trên thực tế, chi phí chưa phải là điều khó khăn nhất của việc tạo ra một sản phẩm xanh, vì những tiêu chuẩn gắt gao trong quá trình đó có thể khiến các đối tác ngán ngẩm. Chẳng hạn, Unilever Việt Nam có nhiều quy định khắt khe như vùng trồng không phải phá rừng, lao động đúng độ tuổi quy định, kế sinh nhai bền vững… “2 năm trước, chúng tôi có ký cam kết với 200 nhà cung ứng về giảm thải khí nhà kính. Sẽ có người đi nhanh, người đi chậm nhưng tất cả đều muốn làm”, bà Nhi nói.

“Khoảnh khắc bạn ngừng suy nghĩ về lựa chọn lợi nhuận hoặc phát triển bền vững, đó là lúc bạn nói, tại sao không thể cả 2?”, ông Bolat Duisenov, CEO của Coteccons, chia sẻ.

Tìm điểm cân bằng 

Các nhà lãnh đạo đang rất mâu thuẫn. Một khảo sát của Accenture cho thấy 98% CEO tin rằng vai trò của họ là làm cho hoạt động kinh doanh bền vững hơn, nhưng 58% lại nhìn thấy tính bền vững bị kìm hãm bởi tăng trưởng.

Phát triển bền vững là động lực cho sự thay đổi. Nhưng trong khi cấp quản lý nhận thấy tiềm năng của tính bền vững trong việc định hình đổi mới kinh doanh, họ lại tin rằng điều này phải đánh đổi với lợi nhuận. Điều này củng cố cho việc tập trung quá mức vào kết quả kinh doanh ngắn hạn hiện nay.

Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến kế hoạch tương lai bền vững của các công ty là một chủ đề nóng bỏng trong các phòng họp của doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ. “Chúng ta thường phải lựa chọn giữa lợi nhuận và tăng trưởng hoặc giữa ESG (môi trường – xã hội – quản trị) và tuân thủ chính phủ. Nhưng thực tế, chúng ta có thể kết hợp cả 2”, người đứng đầu Coteccons bày tỏ.

Có nhiều ví dụ trên thế giới về việc doanh nghiệp có thể dung hòa cả 3 mục tiêu và có kết quả vượt trội. Tại Việt Nam, Coteccons là một trong những doanh nghiệp đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực ESG. Với 46 dự án đạt chứng chỉ LEED và Lotus, Công ty đã chứng minh cam kết của mình đối với xây dựng xanh và bền vững. Nhờ yếu tố xanh trong xây dựng, doanh nghiệp đã phát triển thêm tệp khách hàng FDI, hiện chiếm gần 2/5 backlog. Việc xây dựng công nghiệp giúp Công ty tăng biên lợi nhuận gộp thêm 33%, đồng thời giảm 22% số ngày phải thu.

McKinsey, trong một bài viết về bộ 3 tăng trưởng, lợi nhuận và phát triển bền vững, đã phân tích công thức để doanh nghiệp đạt được 3 mục tiêu này một cách hiệu quả. “Họ thường được hướng dẫn bởi 5 nguyên tắc: tích hợp tăng trưởng, lợi nhuận và ESG vào chiến lược cốt lõi; đổi mới các sản phẩm ESG để thúc đẩy tạo ra giá trị; sử dụng M&A để nhanh chóng nắm bắt các điểm tăng trưởng ESG; theo dõi và báo cáo dữ liệu ESG và dữ liệu liên quan một cách minh bạch; và nhúng các ưu tiên chiến lược vào tổ chức”, hãng tư vấn phân tích.

Điều quan trọng nhất là không nên chỉ tập trung vào số liệu, vào chỉ tiêu ESG theo yêu cầu của cơ quan quản lý, mà cần hiểu rõ nguyên tắc cơ bản phía sau. “Chúng ta muốn trở thành những người thân thiện với môi trường hơn không?”, ông Bolat gợi mở, “Câu hỏi là làm thế nào để thực hiện được điều đó”.

Việc chuyển đổi xanh không thể chỉ thực hiện tại một mắt xích mà phải trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Đó cũng là bài toán mà ông lớn trong ngành xây dựng phải giải, sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu và dịch vụ xanh. “Để mở rộng mô hình kinh doanh, chúng tôi đề xuất mở rộng chương trình vay xanh cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ và khách hàng của chúng tôi”, CEO của Coteccons gợi mở với những nhà cho vay tài chính. “Điều này sẽ giúp chúng tôi giảm chi phí và thúc đẩy việc sử dụng vật liệu xanh”, ông nói thêm.

Giải bài toán nguồn vốn

Thực tế, ngành tài chính đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam. Từ góc độ ngân hàng, đại diện của UOB Việt Nam cho biết các doanh nghiệp đủ điều kiện để nhận vốn xanh bao gồm những công ty có hoạt động thân thiện với môi trường, từ sản xuất đến cung cấp phụ kiện, hoặc các doanh nghiệp đang tiến hành quá trình chuyển đổi sản xuất sang sử dụng điện năng.

“Trước đây, khi đánh giá tín dụng, ngân hàng chủ yếu xem xét tình hình tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, yếu tố bền vững được đặt lên hàng đầu”, ông Jason Yang, Giám đốc Cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững, UOB Việt Nam, nói. Giám đốc của UOB cho biết không chỉ đánh giá doanh nghiệp mà còn xem xét cả chuỗi cung ứng, bao gồm cả các nhà cung cấp có thể gây ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phê duyệt và xác minh các khoản vay xanh. Họ điều chỉnh cách tính lãi suất, không chỉ dựa trên mức độ rủi ro như thông thường, mà còn xem xét thành tích về khí hậu. “Để tránh tình trạng tẩy xanh”, ông Jason giải thích về việc tăng gấp đôi lớp thẩm định đầu tư khi cấp vốn xanh so với việc cấp vốn truyền thống.

“Chúng tôi rất sẵn sàng cung cấp thêm khoản vay xanh cho các dự án đang chuyển đổi, nhưng điều quan trọng là dự án đó phải đảm bảo tính khả thi về tài chính”, vị Giám đốc của UOB nói thêm.

Một điều đáng khích lệ mà lãnh đạo các ngân hàng nhận thấy là nhiều chủ doanh nghiệp đang xem ESG và bền vững như một khoản đầu tư. “Tôi nghĩ rằng văn hóa và tư duy là yếu tố quan trọng nhất để bắt đầu cuộc trò chuyện và quá trình chuyển đổi cho bất kỳ doanh nghiệp nào”, bà Michele Wee, CEO Standard Chartered Việt Nam, nhận xét.

Nữ lãnh đạo của Standard Chartered cũng quan tâm đến sự nhất quán và quyết tâm trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng. Bà Michele Wee cho rằng, nếu đồng ý về tư duy, nhất quán và tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, thì lợi nhuận và kinh doanh bền vững sẽ phụ thuộc vào việc có những sản phẩm và dịch vụ đủ tiêu chuẩn và bền vững, đặc biệt khi Việt Nam đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế.

“Đây là vấn đề sống còn”, bà Michele Wee nói về việc thuế carbon sẽ có thể được áp dụng tại Việt Nam giống như ở Singapore và thị trường tuân thủ tại Việt Nam cũng sẽ ngày càng chặt chẽ hơn. “Vì vậy, tất cả chúng ta phải chuyển đổi để duy trì lợi nhuận”, bà nói thêm.

Dưới góc nhìn của bà Michele Wee, dường như phân biệt khoản vay truyền thống hay khoản vay xanh không còn phù hợp nữa. Bà cho rằng cần xem vay xanh như một khoản đầu tư cần thiết cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Thách thức hiện nay là việc giám sát và đánh giá nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế.

Không ai yêu cầu chuyển đổi ngay lập tức. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi đến năm 2050 và mỗi doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình phù hợp với chiến lược đầu tư của mình. Đại diện các ngân hàng đều đồng quan điểm không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện vay xanh, nhưng có các sản phẩm ESG khác phù hợp với nhiều loại doanh nghiệp.

Dựa trên mô hình lộ trình phát thải ròng bằng 0, McKinsey ước tính tổng mức đầu tư Việt Nam mỗi năm cần rơi vào khoảng 30 tỉ USD. Nguồn vốn và nỗ lực phải đến từ nhiều nguồn, bao gồm cả công và tư.

“Biến đổi khí hậu là bài toán không của riêng ai và cũng không ai có thể giải bài toán này một mình cả. Chưa khi nào tất cả chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với nhau như lúc này”, ông Tim Evans, CEO HSBC Việt Nam, kết luận.

Theo Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

Bài viết liên quan