(VNF) – Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính bắt đầu chú trọng đến việc phát hành trái phiếu xanh như một phương tiện để tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của kênh huy động vốn này tại thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm phân tích thuộc Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm VIS Rating.
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Trên thế giới, trái phiếu xanh đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, đóng góp gần 600 tỷ USD mỗi năm cho các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại nước ta, thị trường trái phiếu xanh mới chỉ thực sự được chú ý gần đây khi Việt Nam có cam kết mạnh mẽ hơn với hoạt động chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đặc biệt là sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, chỉ có 6 đợt trái phiếu xanh được phát hành chủ yếu tại các địa phương Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM nhằm phục vụ cho các dự án quản lý nước sạch và cải tạo môi trường.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến 2023, nhờ các chiến lược phát triển xanh của Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức tài chính quốc tế và nhận thức rõ hơn về vai trò của tài chính xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những đợt phát hành trái phiếu xanh có quy mô đáng kể từ các tổ chức lớn như Vinpearl (425 triệu USD), BIM Group (350 triệu USD), BIDV (100 triệu USD), EVN Finance (70 triệu USD).
Đến cuối năm 2023, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam đã đạt 1 tỷ USD lưu hành, tương đương 2% trái phiếu đang lưu hành. Trong giai đoạn 2024 – 2025 và dài hơn, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều ngân hàng và doanh nghiệp trong các lĩnh vực đa dạng hơn tham gia huy động vốn từ kênh trái phiếu xanh.
Mặc dù con số hiện tại vẫn còn rất khiêm tốn so với các kênh huy động vốn khác ở Việt Nam, song tiềm năng tăng trưởng của thị trường này trong vài năm tới được dự báo sẽ rất khả quan nếu so sánh với đà tăng trưởng của các thị trường trái phiếu xanh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Ấn Độ nơi trái phiếu xanh chiếm khoảng 5 – 10% lượng trái phiếu lưu hành.
Đặc biệt, trái phiếu xanh đang dần chuyển mình từ một kênh huy động vốn tự nguyện thành kênh huy động vốn cấp thiết để doanh nghiệp tại các quốc gia đáp ứng và thích nghi với một loạt yêu cầu xanh trong giai đoạn phát triển bền vững của phần lớn các thị trường tiêu dùng trên thế giới.
Thuật ngữ “xanh” cũng được mở rộng thành thị trường trái phiếu bền vững gồm các trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững, trái phiếu liên kết bền vững, với tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh. Nếu như vào năm 2016, thị trường trái phiếu xanh và bền vững toàn cầu chỉ chiếm chưa tới 2% tổng phát hành trái phiếu hàng năm, thì sau khi liên tục tăng vào các năm sau đó, phát hành trái phiếu xanh và bền vững (GSSS) đã chiếm tới 14% tổng phát hành trái phiếu toàn cầu. Trong công cuộc phát triển tất yếu đó, tôi cho rằng thị trường này sẽ dần trở thành một kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Qua làm việc với các định chế tài chính, doanh nghiệp, ông có thể nêu ra một số điểm nghẽn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình phát hành trái phiếu xanh không?
Mặc dù tiềm năng lớn, việc phát hành trái phiếu xanh vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, chẳng hạn như quy trình phát hành và thẩm định xanh còn phức tạp và kéo dài, bộ tiêu chuẩn và khung pháp lý cho trái phiếu xanh chưa có sự thống nhất hay lợi ích mà kênh trái phiếu xanh mang lại cho doanh nghiệp chưa đáng kể.
Đầu tiên, việc đảm bảo các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn về trái phiếu xanh, từ quá trình xây dựng, chứng nhận cho đến xác minh mất khá nhiều thời gian (có thể lên tới 12 – 20 tháng để chuẩn bị) và chi phí so với những đợt phát hành trái phiếu thông thường.
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp lần đầu tiên thực hiện các dịch vụ đánh giá và xác nhận trái phiếu xanh, tổ chức phát hành sẽ cần xây dựng Khung trái phiếu xanh và thiết kế các quy trình nội bộ để đánh giá và giám sát của dự án xanh mà doanh nghiệp thực hiện đầu tư. Điều này sẽ dẫn đến nhiều chi phí phát sinh, đặt thêm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chi trả nhiều loại chi phí cao hơn như chi phí tư vấn xây dựng dự án xanh, chi phí thu thập và giám sát tác động tới môi trường, hay chi phí xác nhận/đánh giá mức độ xanh của trái phiếu và dự án đầu tư.
Thứ hai, hiện Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn và khung pháp lý cụ thể cho hoạt động phát hành trái phiếu xanh và cũng như chưa có bộ quy chuẩn trái phiếu xanh thống nhất để sử dụng giữa các thị trường quốc tế. Trong khi đó, trên thế giới, các tiêu chuẩn đánh giá trái phiếu xanh hiện đang có sự phân hóa khác nhau, chẳng như bộ tiêu chuẩn của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI), tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN, tiêu chuẩn Xanh Liên minh Châu Âu,…
Việc chưa có quy chuẩn về phân loại xanh cũng là một rào cản lớn cho hoạt động trái phiếu xanh ở Việt Nam. Hệ thống phân loại xanh (green taxonomy) được hiểu là phân loại các ngành nghề và hoạt động có tác động tới quá trình chống biến đổi khí hậu hoặc bảo vệ môi trường, để từ đó thực hiện đánh giá dự án xanh và huy động nguồn tài chính xanh cho các dự án đó. Song ở Việt Nam, hệ thống phân loại xanh chưa được hình thành, và do đó rất khó để các tổ chức phát hành huy động tài chính xanh từ nhà đầu tư trong nước.
Quan trọng nhất, nhiều tổ chức phát hành cho rằng lợi ích từ việc phát hành trái phiếu xanh không thực sự đáng kể so với nguồn lực bỏ ra. Ưu đãi xanh (greenium) – mức ưu đãi về lãi suất khi một doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có cùng điều khoản và kỳ hạn so với trái phiếu thường – hiện rất thấp. Trong báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), trung bình ưu đãi xanh chỉ ở mức 4 điểm cơ bản (0,04%) và chỉ lên được tới 8 điểm cơ bản (0,08%) trong giai đoạn cao (năm 2022). Điều này đồng nghĩa với việc nếu trừ đi các chi phí tư vấn, phát hành và tuân thủ xanh thì phần ưu đãi xanh này gần như không có hoặc không đáng kể. Chính vì vậy, thường khi đánh giá nội bộ, doanh nghiệp sẽ không có nhiều động lực để thực hiện các đợt phát hành trái phiếu xanh.
Những đợt phát hành trái phiếu xanh vừa qua đều là của các doanh nghiệp trong nước và hầu như chưa có sự tiếp cận nhiều với nguồn đầu tư quốc tế. Theo ông, lý do vì sao thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư quốc tế?
Theo tôi, có ba điểm chính khiến thị trường trái phiếu xanh chưa thực sự thu hút với nhà đầu tư quốc tế, đó là: Không có/thiếu những dự án xanh để huy động vốn; chưa đủ hấp dẫn so với trái phiếu thông thường và chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Trên thực tế, Việt Nam thiếu các dự án xanh để huy động vốn. Phần lớn các dự án xanh đang được huy động hiện chỉ tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và xây dựng công trình xanh. Trong khi đó, các thị trường xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia lại có nhiều dự án xanh đa dạng hơn như chuyển đổi giao thông với năng lượng sạch, canh tác nông nghiệp bền vững, sản xuất công nghiệp phát thải thấp, …. với quy mô dự án lớn hơn và chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự có động lực để phát hành trái phiếu xanh do thủ tục phát hành kéo dài và chi phí cao so với lợi ích nhận được. Chưa kể, các quy định pháp lý về phát hành trái phiếu và phát hành trái phiếu xanh cũng mới bắt đầu dần được hoàn thiện và quy định rõ ràng hơn trong Nghị định 65, Nghị định 155 và Luật Chứng khoán, đặc biệt là sau hội nghị COP26. Do đó, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan cũng đang cần thời gian để thích nghi với những quy định mới và xây dựng các khung trái phiếu xanh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và luật trong nước.
Một nguyên nhân quan trọng khác là những tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường huy động vốn xanh và các nhà đầu tư quốc tế buộc các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực đáng kể vào hoạt động đầu tư xanh thực chất, cải thiện các yếu tố minh bạch và hệ thống quản lý nội bộ. Đặc biệt, thị trường trái phiếu xanh đang ngày càng siết chặt hoạt động “rửa xanh” (greenwashing), tức huy động vốn cho các dự án không thực sự mang lại tác động tới môi trường. Nếu muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và tiếp cận thị trường tài chính xanh quốc tế nói riêng, các doanh nghiệp buộc phải vượt qua rào cản đến từ nội tại này.
Theo ông, những nhân tố nào sẽ dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam trong thời gian tới và bắt kịp với các thị trường khác trong khu vực?
Nhân tố thúc đẩy lớn nhất cho quá trình phát triển của thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam chính là các đợt phát hành thành công của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây. Các khung trái phiếu xanh và quy trình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp lớn như BIDV, EVN Finance, Vinpearl, BIM Group sẽ là tham chiếu tốt để các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành tham khảo cũng như rút ngắn thời gian cho những lần phát hành sau.
Tiếp đến, sự cải thiện trong các quy định và chính sách hỗ trợ liên quan đến việc phát hành trái phiếu xanh sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh. Song song với đó, sự tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế cũng là tiền đề tốt để kênh huy động vốn phát triển theo đúng tiềm năng vốn có.
Ngoài ra, trong môi trường kinh doanh hiện đại, khi phải đối mặt với áp lực chuyển đổi xanh ngày càng lớn. Chẳng hạn như các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và khoáng sản xuất khẩu sang các thị trường phát triển như Châu Âu từ năm 2025 sẽ phải đáp ứng hạn ngạch chặt chẽ về khí thải nhà kính, hay như yêu cầu công bố thông tin phát thải nhà kính đối với các doanh nghiệp niêm yết từ năm 2022 trong báo cáo thường niên. Những áp lực này sẽ trở thành các yếu tố tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp tìm đến nguồn tài chính xanh hơn.
Cùng với đó, những lợi ích phi tài chính của trái phiếu xanh trở nên rõ ràng hơn, chẳng hạn như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm các rủi ro tài chính đối với các khoản phạt môi trường,… cũng sẽ là nhân tố dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của kênh huy động vốn này.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!