Đưa thuốc bảo vệ thực vật sinh học (BVTV) vào canh tác cho cây lúa là một trong những chủ trương thực hiện nông nghiệp sinh thái. Những mô hình đầu tiên tại An Giang đang dần được người nông dân đón nhận bởi hiệu quả về sức khỏe và kinh tế từ mô hình này mang lại.
Mong mối liên kết luôn “êm”
Đi cùng anh Trương Thanh Hà, ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đến thăm cánh đồng của anh có hơn 2 ha lúa đang trĩu hạt, anh nói anh đã tập hợp các anh em thân thiết lại được 17ha để cùng ký kết với doanh nghiệp và thử nghiệm dùng thuốc BVTV sinh học khoảng 3 năm nay.
Anh Hà kể, trước đây mỗi khi đi phun thuốc về anh dễ ốm mệt phải dùng nhiều thuốc cả tây y và đông y, nhưng mấy năm nay dùng thuốc BVTV sinh học anh thấy người mình khỏe hẳn ra. Nhưng điều giúp anh đặc biệt thích thuốc BVTV sinh học đó là chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả cũng rất tốt.
Anh Hà cho biết: “Năm nay dịch hại nhiều, nếu sản xuất bằng phương thức cũ thì 1 công sẽ mất chi phí từ 2.5 triệu đến 3 triệu nhưng dùng thuốc BVTV sinh học và phun đúng hướng dẫn chỉ mất tầm 1,8 triệu đến 2 triệu. Phun thuốc BVTV sinh học lúa không được màu sẫm như các ruộng khác nhưng năng suất, chất lượng vẫn như vậy nên tôi vẫn thích dùng thuốc BVTV sinh học hơn”.
Điều anh Hà lăn tăn nhất hiện nay đó là việc mua thuốc BVTV sinh học còn khó khăn vì ít có trên thị trường. Để mua được thuốc BVTV sinh học đảm bảo, anh Hà phải cùng các anh em bạn bè khác để có được tổng diện tích hơn 17ha. Với diện tích này, nhóm anh đã ký hợp đồng bao tiêu được với doanh nghiệp và được mua thuốc BVTV sinh học. Anh Hà chia sẻ: “Cứ sản xuất và có bao tiêu như thế này thì nông dân cũng không cần mong mỏi giá lúa lên quá cao mà chỉ mong mối liên kết này được ‘êm’. Mình sản xuất có người bao tiêu như có bạn đồng hành vậy, yên tâm lắm”.
Anh Lê Văn Chính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết hiện nay HTX có 31 thành viên chính thức, tuy nhiên với hiệu quả sản xuất nhìn thấy được của những vụ trước, năm nay đã có thêm 70 thành viên liên kết trong vụ này, diện tích vụ này của HTX là 771ha của hơn 100 thành viên.
Anh Chính chia sẻ, ban đầu kêu gọi mọi người tham gia liên kết cũng khá khó vì nông dân quen bán cho thương lái, nhất là những thương lái “mua đón” (mua lúc đầu vụ) thì thường trả giá cao hơn. Chuyện dùng thuốc BVTV sinh học cũng vậy, thay đổi thói quen của bà con nông dân rất khó. “Người nông dân miền Tây có một thói quen là luôn thích nhìn thấy lúa của mình phải đẹp nõn nà, nhiều khi không có sâu bệnh gì nhưng nhìn đồng nhà mình không được mướt mát như ý là họ lại phun thuốc thêm, bất chấp như vậy giá thành đầu vào lại tăng cao trong khi hiệu quả cũng chỉ như vậy, thậm chí còn thấp hơn”, anh Chính nêu ví dụ.
Anh Chính cho biết thêm, những năm gần đây việc dùng thuốc BVTV sinh học đã có hiệu quả hơn rất nhiều, thuốc đã cải thiện được độ phì nhiêu của đất, do cây lúa phát triển từ từ nên cũng ít bị dịch hại hơn. Tập quán trước đây dùng thuốc BVTV nhiều khiến đất thoái hóa nhiều nên khi nhìn thấy các mô hình đã dùng thuốc BVTV sinh học, đất được cải tạo nên bà con cũng quan tâm hơn trong dùng thuốc. Cùng với đó, việc các công ty đưa công nghệ drone trong tưới và rải thuốc vào giúp người dân hạn chế được công sức lao động nên mọi người cũng hào hứng tham gia hơn.
Khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học
Câu chuyện tại tỉnh An Giang như một điển hình về việc xây dựng những cánh đồng mẫu lớn sử dụng thuốc BVTV sinh học. Người dân đang dần thay đổi về thói quen và tập quán canh tác.
Một trong những doanh nghiệp hàng đầu hiện đang đồng hành cùng người nông dân tại ĐBSCL trong chuyển đổi canh tác thoe hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái hiện nay là Tập đoàn Lộc Trời.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, một trong những tập đoàn đang cùng nông dân chuyển đổi mạnh mẽ việc canh tác theo hướng nông nghiệp xanh, giảm phát thải cho biết giá trị gia tăng từ phướng pháp canh tác mới phải làm cho môi trường tốt hơn, sức khỏe của nông dân tốt hơn và nông thôn trở thành nơi đáng sống hơn. “Làm gì thì làm, đời sống của nông dân phải được nâng lên, có vị thế cao hơn, để đất của họ không còn chỉ để sản xuất, mà là nơi đáng sống, để những người ở quê không phải rời quê và để những người ở thành thị cần về quê”, ông Thòn chia sẻ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm trong 3 năm liên tục (2020 – 2022) cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới như BRCGS, SMETA, HACCP, HALAL…
Doanh nghiệp đang liên kết với các hợp tác xã và hơn 200.000 hộ nông dân để cơ giới hóa các hoạt động mùa vụ, tổ chức thu hoạch và vận chuyển… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tại khu vực nông thôn.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, phát triển phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học là một trong những bước đi then chốt của nông nghiệp sinh thái bền vững. Bên cạnh đó việc sử dụng này giúp người dân giảm thiểu chi phí đầu vào và canh tác thân thiện với môi trường, đem lại giá trị cao hơn cho nông sản.
Ông Đạt cho biết đến nay đã có rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đặc biệt, “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt cuối tháng 12/2023 đã đặt mục tiêu nâng tỉ lệ sản phẩm thuốc thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%.
Đồng thời, xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia như lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.
“Trong đăng ký, chúng tôi đã có nhiều chi tiết đơn giản hơn so với thuốc hóa học như hồ sơ đăng ký chỉ tiêu, thành phần hồ sơ ngắn hơn.
Các thuốc sinh học khi đăng ký chỉ cần khảo nghiệm diện rộng, không cần khảo nghiệm diện hẹp, do đó thời gian, số lần thực hiện và chi phí thực hiện sẽ thấp hơn. Thuốc BVTV sinh học cũng được khuyến khích trong các buổi đào tạo, tập huấn, các chương trình khuyến nông quốc gia để người dân tiếp cận thuốc bảo vệ thực vật sinh học”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, việc vẫn còn một số kiểm soát chặt đối với thuốc sinh học là do việc phân loại các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa được cụ thể, dẫn tới các hồ sơ đăng ký hiện nay gần như giống nhau. Do đó, có những loại thuốc sinh học gặp khó khăn trong khai báo, đăng ký theo quy định của thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với giải pháp sắp tới, ông Đạt cho biết, Cục BVTV sẽ tiếp tục rà soát quy định pháp luật, từ luật cho đến nghị định, thông tư để rà soát, phân loại lại thuốc sinh học.
Trong đó, ưu tiên cấp phép cho các loại thuốc bảo vệ thực vật có tiềm năng, thế mạnh như các thuốc có nguồn gốc sinh học, ưu tiên thuốc sinh học thế hệ mới, đặc biệt là các loại thuốc ít nguy cơ đến con người, vật nuôi và môi trường…
(Theo Báo Điện tử Chính phủ)